Giới thiệu về Buôn Hồ
Lượt xem:
Lịch sử
Quận Buôn Hồ thuộc tỉnh Darlac được thành lập vào năm 1931. Sau năm 1975, quận Buôn Hồ đổi thành huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ban đầu bao gồm 22 xã: Bình Thuận, Cư Bao, Cư Né, Cư Suê, Cuôr Đăng, Dliê Ya, Dliê Yang, Đoàn Kết, Ea Drông, Ea H’đinh, Ea H’leo, Ea Hồ, Ea Khăl, Ea Pốk, Ea Sol, Ea Súp, Ea Tul, Krông Na, Pơng Drang, Quảng Phú, Tam Giang, Thống Nhất.
Ngày 23/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/NĐ-CP thành lập thị xã Buôn Hồ, theo đó: thị xã Buôn Hồ có 28.205,89 ha diện tích tự nhiên và 101.554 người với 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 7 phường và 5 xã.
Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2025. Hiện tại, thị xã Buôn Hồ là đô thị loại IV, có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường: An Bình, An Lạc, Bình Tân, Đạt Hiếu, Đoàn Kết, Thiện An, Thống Nhất và 4 xã: Bình Thuận, Cư Bao, Ea Drông, Ea Siên.
Địa lý Thị xã Buôn Hồ nằm ở phía bắc tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 40 km về phía đông bắc theo Quốc lộ 14 và có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Krông Năng; Phía tây giáp huyện Cư M’gar; Phía nam giáp huyện Krông Pắc; Phía bắc giáp huyện Krông Búk.
Khí hậu
Khí hậu thị xã mang đặc tính của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Trong năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Một số chỉ tiêu đặc trưng khí hậu trên địa bàn thị xã như sau:
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa 1.387 mm chiếm 92% lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8 và tháng 9 (255 mm/tháng). Gió thịnh hành là gió mùa Tây Nam với cấp độ trung bình là cấp 2, 3, chế độ đặc trưng là nóng ẩm.
Mùa mưa với lượng mưa nhiều đảm bảo đủ nước cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, ở những khu vực có độ dốc lớn, bố trí cây trồng không hợp lý dễ dẫn đến xói mòn và rửa trôi. Mùa khô: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 8% lượng mưa cả năm, nhiều năm từ tháng 12 đến tháng 1, 2, thậm chí có năm hết tháng 3 năm sau không có mưa. Gió Đông bắc trung bình cấp 3, cấp 4, mạnh nhất tới cấp 5, cấp 6; ẩm độ không khí thấp, lượng bốc hơi lớn làm cho mức độ khô hạn càng trở nên khốc liệt.
Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,4 °C (Nhiệt độ không khí trung bình cao nhất 26,5 °C và thấp nhất là 20,8 °C).
– Độ ẩm không khí trung bình năm 85% (Độ ẩm không khí trung bình năm cao nhất 95% và thấp nhất 70%). Hướng gió chủ đạo là gió mùa tây nam (mùa mưa) và đông bắc (mùa khô).
Thủy văn Thị xã có suối Krông Búk là suối chính, bắt nguồn từ độ cao 700-800m chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có lòng suối rộng khoảng 10m. Hiện nay, đã xây dựng đập thủy lợi buôn Tring, tưới khoảng 150 ha cà phê. Ngoài ra, còn có các sông, suối nhỏ và các công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân.
Tài nguyên nhân văn
Thị xã có nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Việc khai thác, tôn tạo, giữ gìn các di tích văn hoá và danh lam thắng cảnh hiện có là cơ sở để phát triển ngành du lịch, thu hút khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về kiến trúc, sinh hoạt, tập quán, lễ nghi, nghệ thuật của dân tộc; thị xã có văn hóa của người dân tộc địa phương và văn hóa của người miền núi phía bắc, trong đó nổi bật là buôn Tring (phường An Lạc) có trên 400 hộ gia đình, trong đó có khoảng 70% hộ vẫn còn giữ lại nhà sàn truyền thống, bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng. Buôn Tring, buôn Kli A là hai trong 10 buôn làng truyền thống được quy hoạch phát triển buôn du lịch cộng đồng. Theo đó, buôn Tring, buôn Kli A được hỗ trợ đầu tư xây dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng với nét đẹp văn hóa về cồng chiêng, lễ hội dân gian được gìn giữ và bảo tồn cũng như nghề dệt thổ cẩm truyền thống được tập trung khôi phục, mở rộng,…
Năm 2013, thác Drai Ega đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, chính quyền địa phương đã khoanh vùng bảo vệ, đồng thời kêu gọi đầu tư để Drai Êga trở thành một địa điểm du lịch đẹp của tỉnh.
Thị xã cũng đầu tư phát triển các câu lạc bộ đàn Tính, hát Then, du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào các dân tộc Êđê, Tày, Nùng cũng như bảo tồn và phát huy một số lễ hội tiêu biểu (Lễ hội dân gian văn hóa Hảng Pồ của dân tộc Tày – Nùng, Lễ cúng bến nước, Lễ ăn cơm mới, Lễ bỏ mả của đồng bào Êđê).
Ngoài ra, tiềm năng phát triển du lịch như: Cảnh quan dọc sông Krông Búk, hồ Ba Diễn, các nông trại nông nghiệp, cảnh quan vườn cây công nghiệp thuận lợi phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.